Biến chứng hậu covid ảnh hưởng đến tim mạch ra sao
Ngay cả trong và sau khi mắc Covid-19 thì người bệnh đều có khả năng phải trải qua những triệu chứng không mấy dễ chịu. Thời gian di chứng có thể ngắn hoặc kéo dài tùy cơ địa mỗi người. Một trong các biến chứng được mọi người, nhất là các bệnh nhân đã từng nhiễm Covid-19 quan tâm nhất là hậu Covid ảnh hưởng đến tim mạch. Vậy làm sao để nhận diện được các dấu hiệu bất thường của tim mạch hậu Covid và phương pháp điều trị ra sao? Hy vọng rằng các thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
1. Covid-19 có những tác động như thế nào đối với hệ tim mạch?
Thực tế đã ghi nhận không ít các trường hợp bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 đã trải qua những di chứng liên quan đến tim mạch.
Để giải thích cho tình trạng này, có thể hiểu như sau: khi virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể sẽ kích hoạt sự chống lại của hệ miễn dịch, điều này dẫn đến hiện tượng viêm. Phản ứng viêm có thể phá hủy cả những mô còn khỏe mạnh, bao gồm cả các mô ở tim.
Bên cạnh đó, virus cũng có thể gây tổn thương và làm viêm các mạch máu, tạo nên các cục máu đông gây cản trở lưu lượng máu di chuyển về tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Như vậy, sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 đều có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ thống tim mạch dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, suy tim, tắc mạch máu,...
2. Các triệu chứng hậu covid ảnh hưởng đến tim
Ở những F0 bước sang giai đoạn hậu Covid có thể gặp những dấu hiệu về biến chứng tim mạch như sau:
Mệt mỏi thường xuyên;
Đánh trống ngực, đau tức ngực, khó thở;
Nhịp tim nhanh:
Khó chịu trong ngực;
Dễ bị chóng mặt, choáng váng nhất là khi ở tư thế đứng;
Hồi hộp, tim có thể đập nhanh hoặc đập không đều.
Những biểu hiện này có khả năng liên quan đến biến chứng về tim hậu covid nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các yếu tố khác, ví dụ như do không vận động nhiều, nằm trên giường trong thời gian dài khi điều trị bệnh.
Bên cạnh những triệu chứng nêu trên, một biến chứng nghiêm trọng khác về sức khỏe tim mạch cần phải hết sức lưu ý đó là nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu lâm sàng để chứng minh biến chứng này có thể xảy ra ở những bệnh nhân trong giai đoạn hậu Covid. Cụ thể:
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, nhồi máu cơ tim được chia thành 2 loại:
Loại 1: xuất phát từ sự hình thành các cục máu đông làm thuyên tắc một trong số các động mạch vành của tim. Hiện tượng này có xu hướng gia tăng nhưng chưa thực sự rõ ràng trong quá trình mắc Covid-19 và sau thời gian phục hồi so với người không bị nhiễm Covid;
Loại 2: là khi máu không được cung cấp đủ để nuôi dưỡng cơ tim nhưng không phải là do có cục máu đông cản trở hoặc tắc động mạch vành. Loại 2 xảy ra là do tình trạng gia tăng căng thẳng ở tim như thiếu máu, oxy máu thấp, nhịp tim nhanh,... Nhồi máu cơ tim khá phổ biến ở những ca Covid-19 cấp tính nhưng dường như lại ít gặp đối với các F0 đang trong giai đoạn hồi phục hoặc sau khi đã khỏi bệnh hoàn toàn.
3. Trẻ em có thể gặp các biến chứng về tim hậu Covid hay không?
Thống kê ghi nhận trường hợp trẻ em mắc Covid-19 lại có ít biến chứng nghiêm trọng so với người lớn. Tuy nhiên trong thời gian qua, khi mà số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tăng cao thì cũng ghi nhận nhiều ca trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19. Hội chứng có tên gọi tắt là MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) với các biến chứng nguy hiểm như gây sốc tim, tổn thương tim nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Những trẻ sau khi đã điều trị MIS-C thành công thì có nguy cơ cao gặp các di chứng về tim như nhịp tim bất thường, đờ cơ tim khiến cho tim không có khả năng đập đúng cách hoặc thư giãn như bình thường. Bệnh có những đặc điểm khá giống với bệnh Kawasaki (một loại bệnh viêm hệ thống mạch máu dạng cấp tính thường bắt gặp ở trẻ em).
4. Các tổn thương tim do Covid có kéo dài vĩnh viễn không?
Các ca nhiễm Covid-19 khi gặp biến chứng về tim mạch có thể hồi phục nhiều hay ít, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương có nghiêm trọng hay không. Một số nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh tim ở những người bệnh may mắn sống sót sau khi bị nhiễm Covid-19 cho thấy trong cơ tim của họ có những vết sẹo nhỏ. Tuy nhiên vẫn chưa thể đánh giá và kết luận chính xác được các vết sẹo này sẽ tồn tại đến khi nào và ảnh hưởng ra sao đến hệ thống tim mạch.
Chức năng chính của tim là bơm máu đi nuôi cơ thể và Covid-19 có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động này. Nhưng sau khi khỏi Covid-19 thì những bất thường này chỉ biểu hiện nhẹ và không gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh.
Hiện nay các Hiệp hội và tổ chức y khoa quốc tế vẫn đang nghiên cứu về các biến chứng hậu Covid, trong đó bao gồm cả các vấn đề về tim mạch. Tính đến hiện tại thì hầu hết các báo cáo đều chỉ ra rằng phần lớn các ca hậu Covid-19 đều xảy ra tình trạng hơi khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt, hồi hộp và chứng “mù mờ não". Một phần cũng ghi nhận sự xuất hiện của các biến chứng như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hay tổn thương cơ tim ở những người đã bị bệnh lý về tim mạch trước khi mắc Covid-19.
Mọi người cũng không nên chủ quan mà bỏ qua những quy định phòng chống dịch vì nguy cơ tái nhiễm là rất cao và sau mỗi lần tái nhiễm thì tỷ lệ phần trăm sức khỏe đi xuống rất nhiều, bao gồm các rủi ro tim mạch lâu dài hậu Covid. Tốt nhất vẫn nên bình tĩnh và theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như các triệu chứng về tim mạch cả trong và sau khi nhiễm Covid-19.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bệnh nhân hậu Covid-19 nên thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu, đặc biệt là những bài tập thở để đẩy nhanh quá trình hồi phục và ít để lại di chứng về sau. Nên nhớ rằng khả năng phục hồi sau khi bị bệnh cần phải có thời gian và diễn ra từ từ, không nên quá nôn nóng và cảm thấy bất an.